Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển cao nhưng vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nên đã và đang kéo theo những áp lực đến môi trường.
Trong khi đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, nhất là thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội, cộng với đó nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Vì vậy môi trường nước, đất, không khí…ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng, đòi hỏi phải điều chỉnh các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, đảm bảo an toàn, phòng tránh được các sự cố nhằm giảm thiểu các áp lực để bảo vệ môi trường một cách bền vững.
1. Phát triển của khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Thời gian qua, việc phát triển các KCN, CCN ở nước ta diễn ra khá nhanh, song lại chưa đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường. Nhiều KCN, CCN vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, không tuân thủ thiết kế ban đầu và không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Cụ thể, trong số các KCN, CCN đang hoạt động, có 165 KCN (chiếm 77,8%) và khoảng 3 – 5% CCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất hệ thống tại KCN xấp xỉ 630.000 m3/ngày đêm, ngoài ra có 24 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải (chiếm 11,3%). Nhiều KCN đã lấp đầy xấp xỉ 100% nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép nên tồn tại tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường; vẫn còn các KCN vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa đáp ứng QCVN về môi trường và xả thải gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong cộng đồng như KCN An Nghiệp (Sóc Trăng), KCN Suối Dầu (Khánh Hòa), KCN Chu Lai (Quảng Nam), KCN Dệt may Phố Nối (Hưng Yên), KCN Linh Trung III (Tây Ninh),…
Không khí ở các KCN, CCN, đặc biệt là các KCN, CCN cũ đang bị ô nhiễm do các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại các KCN, CCN đã phát sinh một lượng không nhỏ chất thải rắn (CTR) và chất thải nguy hại, là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Tóm lại, mặc dù công tác quản lý, BVMT tại các KCN, CCN thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng KCN, CCN đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
2. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay đã có 392/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 89,29%; còn lại 47 cơ sở chưa hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 10,71%; vẫn còn 44/184 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thời hạn xử lý đến ngày 31/12/2015 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành biện pháp xử lý triệt để theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ 23,91%). Đồng thời, hầu hết các các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg đều phải thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian xử lý triệt để theo danh mục và biện pháp xử lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
3. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản
Thời gian qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phát triển khá nhanh và có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, song cũng bộc lộ không ít hạn chế, hiệu quả kinh tế không cao. Biểu hiện rõ nét nhất là: công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản còn lạc hậu, vừa ít tạo ra giá trị gia tăng, vừa gây tổn thất tài nguyên và tác động đến cảnh quan, hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước,… hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
4. Hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng
Theo thống kê từ báo cáo của 54 Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2014 có 32 tỉnh có doanh nghiệp thực hiện hoạt động nhập khẩu phế liệu với khoảng 315 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu phế liệu. Trong đó, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất là 221 doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 94 doanh nghiệp. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất qua các cửa khẩu vào thị trường nội địa khoảng 6,88 triệu tấn, trong đó có: 2,55 triệu tấn sắt thép phế liệu; 1,16 triệu tấn nhựa phế liệu; 1,27 triệu tấn giấy phế liệu; 494 tấn đồng đồng phế liệu; 1,084 triệu tấn nhôm phế liệu; và 808.021 tấn các loại phế liệu khác.
Về công tác BVMT tại các cơ sở nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu cho thấy: ngoài các đơn vị thực hiện tốt công tác BVMT, cũng còn có nhiều doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu còn tồn tại một số vấn đề tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các hoạt động quản lý, sử dụng kho bãi lưu chứa phế liệu, thu gom, lưu giữ và xử lý nước thải, khí thải, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại.
Hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường. Thông qua hoạt động nhập khẩu, chúng ta có cơ hội tiếp thu với công nghệ cao, công nghệ sạch và công nghệ ít hoặc không sản sinh chất thải nên giảm ô nhiễm môi trường. Trong những năm qua, nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đem theo những công nghệ tiên tiến, ít ô nhiễm, sử dụng nguyên liệu hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia có công nghệ sạch, đã góp phần vào việc BVMT ở nước ta.
Theo Luật BVMT 2014, máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường bị cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống các quy định về tiêu chuẩn môi trường đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vẫn chưa đầy đủ nên vẫn còn các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị cũ có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và không bảo đảm quy định về môi trường. Hậu quả là thiết bị nhập khẩu về không hoạt động được hoặc có hoạt động nhưng năng suất, chất lượng thấp, giá thành cao dẫn đến phải tăng chi phí cho nâng cấp thiết bị hoặc phải dừng sản xuất; nhiều trường hợp thiết bị nhập khẩu về không hoạt động được, phải phá ra lấy chi tiết làm linh kiện thay thế hoặc dỡ bỏ làm phế liệu. Hàng năm, có hàng trăm triệu tấn hàng hóa các loại nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc quản lý, ngăn chặn tình trạng “núp bóng” nhập khẩu phế liệu, máy móc,… để chuyển rác thải vào nước ta là vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay nhằm tránh nguy cơ biến Việt Nam trở thành bãi thải công nghiệp của thế giới.